Ngày 18/5/2024, Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM (UTH) chính thức tròn 36 năm hình thành và phát triển (1988-2024). Nhân dịp này, Pháp Luật TP.HCM phỏng vấn Hiệu trưởng trường – PGS.TS Nguyễn Xuân Phương để hiểu thêm về lịch sử và chiến lược phát triển của trường. Ban biên tập website xin trân trọng giới thiệu bài viết trên báo Pháp luật TP.HCM
Tự hào có những nhà giáo giỏi, tâm huyết
+ Phóng viên: Thưa ông, ông có thể chia sẻ cảm xúc của mình nhân kỷ niệm 36 năm hình thành và phát triển của UTH?
+ PGS.TS Nguyễn Xuân Phương: Cảm xúc đầu tiên của tôi là thấy tự hào vì sự lớn mạnh của trường cả về quy mô lẫn chất lượng trong bối cảnh có những khó khăn về cơ chế và nguồn lực cho giáo dục. Tiếp đến là cảm nhận về trách nhiệm của một tập thể và cá nhân ngày càng lớn trước đòi hỏi của xã hội và người học về chất lượng, ngành nghề đào tạo giao thông vận tải.
Từ ngày thành lập trường đến nay, nhiều thế hệ các thầy giáo, cô giáo đã tâm huyết, nỗ lực không ngừng, đóng góp công sức, trí tuệ, đào tạo hàng chục ngàn cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ. Nhiều thầy cô giáo đã có những công trình nghiên cứu khoa học, được nhận danh hiệu cao quý từ Nhà nước, khen thưởng từ các cấp, đã làm rạng danh cho truyền thống trường, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành giao thông vận tải ở khu vực phía Nam và cho cả nước.
Từ đây, chúng tôi cũng xác định trách nhiệm tiếp tục phấn đấu và cống hiến để xứng đáng với truyền thống của các thế hệ đi trước.
Phóng viên: Trong 36 năm qua, theo ông, đâu là dấu ấn thành công nhất của trường?
+ + PGS.TS Nguyễn Xuân Phương: Theo tôi, thành công lớn nhất của Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM là đã xây dựng được một đội ngũ viên chức, người lao động tâm huyết và gắn bó với nghề, với trường, đã bước đầu xây dựng được hình ảnh một trường ĐH đa ngành về giao thông vận tải uy tín và năng động ở khu vực phía Nam.
Với bề dày truyền thống 36 năm hình thành và phát triển, với giá trị cốt lõi “Đoàn kết – Nhân văn – Chất lượng – Sáng tạo – Hội nhập”, trong những năm gần đây, trường đã có chuyển biến tích cực trong mọi hoạt động. Giảng viên và sinh viên trường liên tục ghi dấu ấn trên đấu trường học thuật trong nước và quốc tế. Giảng viên có nhiều đề tài khoa học – kỹ thuật cấp Nhà nước, cấp Bộ, nhiều bài báo quốc tế, hướng dẫn các sinh viên đạt nhiều thành tích xuất sắc trong các cuộc thi quốc gia và quốc tế như giải thưởng tay nghề, các giải Eureka của TP.HCM, các giải thưởng trong kỳ thi Olympic.
UTH là một trong những trường ĐH đạt chuẩn chất lượng cấp cơ sở giáo dục sớm nhất tại Việt Nam. UTH liên tục có mặt trong top 50 của bảng xếp hạng 100 trường ĐH Việt Nam và xếp hạng 64 theo bảng xếp hạng Webometrics năm 2024.
Sinh viên được đào tạo theo hướng “thực chiến”
Phóng viên: Trong bối cảnh mạng lưới cơ sở ĐH phát triển ngày càng mạnh và theo hướng đa ngành như hiện nay, khó khăn và thuận lợi lớn nhất Trường ĐH Giao Thông vận tải TP.HCM gặp phải là gì, thưa ông?
+ PGS.TS Nguyễn Xuân Phương: Tôi cho rằng thuận lợi là trường luôn nhận được sự giúp đỡ, tạo điều kiện của Bộ Giao thông vận tải; UBND TP.HCM; các cơ quan, ban, ngành trung ương và địa phương, các tổ chức quốc tế, các công ty, đơn vị trong và ngoài nước, sự đồng hành của cơ quan báo chí.
Tuy nhiên, các quy định hiện hành còn nhiều hạn chế, là trường ĐH công lập nên UTH gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là các giáo sư, nhà nghiên cứu, các tài năng trẻ tốt nghiệp tại những trường ĐH ở các nước tiên tiên trên thế giới. Một thực tế hiện nay các doanh nghiệp đang rất cần nguồn nhân lực về các lĩnh vực/ngành/chuyên ngành đặc thù về giao thông vận tải nhưng nguồn cung từtrường không đủ đáp ứng.
Phóng viên: Theo ông, trong giai đoạn phát triển hiện nay, điều gì của Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM thu hút sinh viên theo học?
+ PGS.TS Nguyễn Xuân Phương: Theo tôi, do nhu cầu về nguồn nhân lực hạ tầng giao thông vận tải của Việt Nam giai đoạn từ nay đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 rất lớn, đặc biệt đối với những lĩnh vực mới như Logistics, Giao thông đô thị nên trường thu hút đông đảo sinh viên theo học. Bên cạnh đó, trường xây dựng chính sách học phí phù hợp để đảm bảo sự công bằng và quyền tiếp cận giáo dục ĐH của các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, ở vùng sâu vùng xa.
Hơn nữa, với lợi thế là một trường công lập tọa lạc tại một thành phố lớn, trung tâm kinh tế của khu vực phía Nam và cả nước, sinh viên được trải nghiệm môi trường học tập năng động, sáng tạo, thân thiện, được tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển.
Trường luôn định hướng và chủ trương kết nối, hợp tác cùng các doanh nghiệp là một trong những quyết định mang tính thời đại và hiệu quả của UTH. Trường đã ký biên bản hợp tác với nhiều đối tác lớn trong và ngoài nước như các tập đoàn lớn về IT, về vận tải, các chủ tàu Châu Âu, ký kết hợp tác với Cục Đăng kiểm Việt Nam…
Với phương châm “Học để biết – Học để làm”, trường còn áp dụng học kỳ doanh nghiệp cho sinh viên, nhằm đào tạo theo hướng “thực chiến” để các em ra trường có thể làm việc ngay. Nhờ đó, sinh viên UTH luôn được doanh nghiệp “săn đón” từ khi chưa tốt nghiệp.
Phấn đấu trở thành trường ĐH lớn, đa ngành
Phóng viên: Được biết, UTH đặt mục tiêu tầm nhìn đến năm 2030 sẽ trở thành trường ĐH đa ngành, đào tạo nhân lực chất lượng cao theo hướng ứng dụng trong lĩnh vực giao thông vận tải của khu vực phía Nam và cả nước. Vậy trường đã có kế hoạch, chính sách cụ thể như thế nào để thực hiện được?
+ PGS.TS Nguyễn Xuân Phương: Để thực hiện được, trong những năm vừa qua, Lãnh đạo trường luôn tập trung chỉ đạo, bám sát và vận dụng vào thực tiễn các Nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Cán sự Đảng Bộ Giao thông vận tải, nhất là những quyết sách quan trọng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2021-2030 có 3 khâu đột phá: Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Nhân lực; Kết cấu hạ tầng. Trong đó, UTH là trường ĐH công lập thuộc Bộ Giao thông vận tải có nhiệm vụ chính trị quan trọng là thực hiện 2/3 khâu đột phá…
Và hiện nay, trường đang tiếp tục đẩy nhanh thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, trọng tâm là hiện đại hóa và thay đổi phương thức giáo dục, đào tạo; Chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao, phát hiện và bồi dưỡng nhân tài; có chính sách vượt trội để thu hút, trọng dụng nhân tài, chuyên gia cả trong và ngoài nước;
Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý có phẩm chất tốt, chuyên nghiệp; Phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để tạo bứt phá về chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.
Xin cảm ơn ông!
3 dấu mốc lịch sử đáng nhớ của UTH
Ngày 18-5-1988, Bộ Giao thông vận tải và Bưu điện đã ra quyết định số 1252/TCCB-LĐ thành lập “Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng tại chức Giao thông vận tải tại TP.HCM” và sau đó chuyển đổi thành “Trung tâm ĐH Hàng hải phía Nam” (quyết định số 968/TCCB-LĐ ngày 14/01/1989).
Ngày 20-8-1991, Bộ Giao thông vận tải có quyết định số 1665 QĐ/TCCB-LĐ chuyển đổi tổ chức và hoạt động của Trung tâm ĐH Hàng hải phía Nam thành Phân hiệu ĐH Hàng hải trực thuộc trường ĐH Hàng hải.
Ngày 26-4-2001, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 66/2001/QĐ-TTg thành lập Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM trực thuộc Bộ Giao thông vận tải trên cơ sở Phân hiệu ĐH hàng hải.