Áp lực đào thải nếu không biết AI
Theo bà Hà Lâm Tú Quỳnh, giám đốc Quan hệ công chúng và Truyền thông, phụ trách Việt Nam, Google châu Á – Thái Bình Dương, sự xuất hiện và đồng bộ công nghệ của AI giữa Việt Nam và quốc tế hiện không được tính bằng năm, tháng, ngày mà bằng giờ, phút.
“Nếu không bắt kịp, nâng cấp kỹ năng, trình độ kiến thức của mình, chuyện thay thế hoàn toàn có thể xảy ra. Hãy xem AI là một người thầy giúp bạn nắm bắt mọi thứ một cách nhanh nhất”, bà Quỳnh nói.
Bà Quỳnh so sánh điều này rất khác với các bước tiến công nghệ trước đây, chẳng hạn khi chiếc Iphone đầu tiên ra mắt tại Mỹ, phải mất vài năm sau, chiếc Iphone đầu tiên này mới về tới Việt Nam.
Với AI, trên nền tảng Internet và di động sẵn có, người dùng bất kể ở đâu cũng có thể cập nhật những xu hướng AI mới nhất ngay tức thì.
Bà Quỳnh cho rằng do AI có sức mạnh to lớn và khả năng tiếp cận AI dễ dàng, nên việc biết ứng dụng AI là một tiêu chí rất quan trọng của các lao động ngày nay.
Diễn giả gọi đây là “sự cấp bách trong việc nắm bắt những kỹ năng, kiến thức” với lao động, đặc biệt là các bạn trẻ.
Chẳng hạn, bà Quỳnh nói trong Google, không phải ai cũng là kỹ sư công nghệ.
Tuy nhiên, khi các ứng dụng AI như Gemini lên ngôi, các nhân sự trong nhiều phòng ban không liên quan đến công nghệ như phòng truyền thông cũng phải tự học về AI để có thể sử dụng.
Trường đại học dạy “Nhập môn AI” cho mọi sinh viên
TS Lê Văn Quốc Anh, trưởng khoa công nghệ thông tin, Trường ĐH Giao thông Vận tải TP.HCM, chia sẻ những ngành học liên quan đến AI hiện đang được rất nhiều trường đại học mở mới trong những năm gần đây.
Những ngành này luôn thu hút số lượng lớn thí sinh đăng ký với điểm chuẩn trong mỗi đợt tuyển sinh luôn ở mức cao. Điều này cho thấy sự quan tâm của các bạn trẻ đến phát triển sự nghiệp liên quan đến AI luôn rất lớn.
Bên cạnh đó, TS Lê Văn Quốc Anh cho biết nhiều giảng viên đang tích hợp AI vào giảng dạy.
Các thầy cô có thể hướng dẫn sinh viên dùng AI để tổng hợp, chắt lọc thông tin khi sử dụng các ứng dụng AI, dùng AI để đưa ra các bài tập, đánh giá…
Ở quy mô lớn hơn, nền tảng nhận và trả bài tập của trường đang được được tích hợp thêm các công cụ AI chống đạo văn.
Đặc biệt, môn “Nhập môn AI” sẽ được đưa vào giảng dạy cho mọi sinh viên, dù các em học bất kỳ ngành học nào tại Trường ĐH Giao thông Vận tải TP.HCM.
“Sinh viên có thể sớm học kỹ năng dùng AI. Tuy nhiên, song song với việc hiểu biết về AI là tư duy phản biện để chính các sinh viên có thể phản biện lại những nội dung được AI đưa ra, để làm chủ AI chứ không lệ thuộc hoàn toàn vào những gì AI đưa ra”, ông Quốc Anh nói.
Mở đầu phiên thảo luận chủ đề “Xu hướng ứng dụng AI vào các lĩnh vực đào tạo, giáo viên và việc làm”, nhà báo Đặng Anh Tuấn – phó tổng thư ký tòa soạn, giám đốc trung tâm nội dung số báo Tuổi Trẻ – chia sẻ ban biên tập báo Tuổi Trẻ đã và đang định hình quá trình chuyển đổi số của tờ báo mang tính cơ bản và đột phá.
Ngoài ra, Tuổi Trẻ có lộ trình xây dựng và ứng dụng AI vào quá trình sản xuất tin bài.
Ông Tuấn ví dụ trong hệ thống IMS của Tuổi Trẻ đang áp dụng một AI giúp hỗ trợ các biên tập viên, thư ký tòa soạn phát hiện những nội dung, hình ảnh có thể nhạy cảm để cảnh báo trong quá trình biên tập, xuất bản tin bài.
AI cũng đang giúp tòa soạn thống kê trong thời gian thực được số lượt đọc (view) của các tin bài, chuyên mục, toàn trang, và có thể phân theo từng khu vực, vùng miền, từ đó các biên tập viên, thư ký tòa soạn có thể định hướng những dòng tin bài theo xu hướng của bạn đọc một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất.
Riêng trong lĩnh vực giáo dục, tư vấn tuyển sinh, nhà báo Đặng Anh Tuấn thông tin nhiều ứng dụng của AI được Tuổi Trẻ áp dụng trong việc thống kê các thông tin, nhu cầu của các thí sinh.
Dữ liệu thu thập góp phần định hướng các chương trình tư vấn tuyển sinh của Tuổi Trẻ có thể bám sát được nhu cầu của các thí sinh cả nước.
3 thời kỳ của điện thoại di động, đã bước vào thời của smartphone AI
Bà Trương Mỹ Thy – Quản lý chiến lược sản phẩm điện thoại cao cấp, ngành hàng trải nghiểm di động, Công ty điện tử Samsung Vina – cho rằng tại Việt Nam, sự phát triển điện thoại di động đã trải qua 3 thời kỳ.
Đầu tiên là từ những năm 1990 đến đầu những năm 2000, điện thoại chủ yếu chỉ dùng để nghe, gọi, nhắn tin.
Đến giai đoạn 2007 – 2020, điện thoại thông minh bắt đầu phổ biến, người dùng có thể thao tác nhiều tác vụ công nghệ số trên điện thoại.
Từ giai đoạn 2020 đến nay, các dòng sản phẩm smartphone kết hợp với AI bắt đầu được phát triển.
Bà Trương Mỹ Thy giới thiệu năm 2024, Galaxy S24 là dòng smartphone AI đầu tiên của Samsung.
Nhiều công cụ AI được tích hợp vào Galaxy S24 như tính năng khoanh vùng để tìm kiếm (Circle to Search), tính năng chỉnh sửa hình ảnh chụp bằng AI, tính năng dùng AI phiên dịch trực tiếp cuộc gọi, tính năng chuyển giọng nói thành dạng văn bản ghi chú…
Các bạn trẻ tham dự AI Day có thể trải nghiệm Galaxy S24 ngay tại sự kiện với sự hỗ trợ của các chuyên gia công nghệ Google, Samsung.
Bà Trương Mỹ Thy nhấn mạnh trong thời gian tới, không chỉ Samsung, mà còn nhiều thương hiệu smartphone khác sẽ đẩy mạnh những dòng sản phẩm tích hợp AI để mang lại hàng loạt những trải nghiệm tối ưu cho người sử dụng trên toàn thế giới.
Sau phiên khai mạc, sự kiện AI Day đến với hội thảo “Hiểu AI, làm giàu hành trang nghề nghiệp”. Thay mặt Google, bà Xiuxian Ho – giám đốc truyền thông, phụ trách Singapore và Việt Nam, Google châu Á Thái Bình Dương – giới thiệu rất nhiều công cụ AI mới mà Google đang phát triển.
Google Circle to Search và AI Gemini có gì?
Một công cụ nổi bật là Google Circle to Search, tính năng độc đáo tích hợp vào dịch vụ tìm kiếm của Google.
Cách sử dụng Circle to Search rất đơn giản, người dùng điện thoại di động chỉ cần vẽ một vòng tròn xung quanh phần cần tìm kiếm, sau đó Google sẽ tự động hiển thị toàn bộ thông tin liên quan đến nội dung được khoanh tròn.
Nghĩa là, người dùng không còn cần vào website google.com để tra cứu mà có thể tìm kiếm chỉ bằng một nét vẽ – một trải nghiệm tìm kiếm hoàn toàn mới.
Một công cụ đang “làm mưa làm gió” không thể kể đến là AI Gemini.
“Phát triển AI một cách có trách nhiệm sẽ là hướng đi của Google trong thời gian tới”, bà Xiuxian Ho nói.
Tại buổi hội thảo, bà Xiuxian Ho hướng dẫn học sinh, sinh viên các sử dụng Gemini một cách tối ưu nhất, từ lựa chọn từ khóa, đưa dữ liệu, câu hỏi và cách chọn lọc câu trả lời từ Gemini.
Từ đó, Gemini có thể giúp bạn tổng hợp thông tin, cho thêm các ý tưởng và hỗ trợ thực hiện hàng loạt tác vụ khác…
Với Gemini, mọi người dùng Internet đều có thể dễ dàng sử dụng và tiếp cận.
Bà Xiuxian Ho chia sẻ rất hào hứng khi nhà báo Trần Xuân Toàn, phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, dùng Gemini để hỗ trợ cho bài phát biểu tại sự kiện AI Day hôm nay.
Trong lần thứ 2 đến TP.HCM lần này, bà cũng đã hỏi Gemini về những địa điểm nên tham quan tại TP.HCM và nhận được những gợi ý tham quan rất hấp dẫn.
Tuy nhiên, dù AI có những bước tiến vượt bậc, bà Xiuxian Ho cho rằng vẫn cần có những nguyên tắc khi sử dụng AI một cách có trách nhiệm nhất. Các nguyên tắc này trước hết có thể được đưa ra từ chính các công ty công nghệ.
Chẳng hạn ngày từ năm 2018, Google trở thành một trong những công ty đầu tiên đưa ra bộ nguyên tắc AI, qua đó có thể cam kết phát triển và cung cấp AI cho người dùng một cách có trách nhiệm nhất.
Sở hữu kỹ năng AI là sở hữu thành công
Ông Marc Woo – giám đốc điều hành phụ trách Việt Nam Google châu Á – Thái Bình Dương, cho biết với sự tăng trưởng mạnh mẽ của AI, các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong tương lai không xa sẽ gắn liền với AI. Vì vậy, sở hữu kỹ năng AI là tiên quyết cho sự thành công của các lao động trẻ.
“Các bạn trẻ nên sớm trang bị cho mình những kiến thức và kỹ năng làm việc với AI. Điều này sẽ tạo được sự khác biệt cho bạn trên thị trường lao động trong tương lai”, ông Marc Woo nói.
Ông Marc Woo nhận định tại Việt Nam, chính phủ đang có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển AI, cùng với sự năng động và khả năng tiếp cận với công nghệ số của các bạn trẻ đang là lợi thế lớn cho những bước tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dựa vào nền tảng AI.
Giám đốc điều hành Marc Woo chia sẻ thêm Google luôn cam kết đồng hành cùng Việt Nam trong các hoạt động nâng cao hiểu biết và kỹ năng công nghệ nói chung, AI nói riêng trong nhiều lĩnh vực, trong đó có giáo dục.
Điển hình, thông qua các sáng kiến như Google Education, Google Career… học sinh, sinh viên và cả giáo viên, giảng viên có thể tham gia các khóa học làm quen với những công nghệ mới và biết cách ứng dụng những công cụ số trong dạy và học.
Google sẽ tiếp tục mở rộng những hoạt động hỗ trợ cộng đồng tiếp cận với công nghệ số và AI, và một trong số những hoạt động đó là sự kiện AI Day ngày hôm nay được phối hợp với báo Tuổi Trẻ tiếp cận đến hàng ngàn học sinh, sinh viên TP.HCM.
AI là do con người làm ra
Phát biểu khai mạc AI Day, ông Trần Xuân Toàn, phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, cho biết trong tất cả mọi tình huống ngày nay, mọi người đều có thể sử dụng AI trong học tập và công việc hàng ngày.
Ngay trong báo Tuổi Trẻ, AI cũng đã được áp dụng từ rất sớm trong nhiều hoạt động để nâng cao chất lượng sản phẩm phục vụ bạn đọc.
“Hãy xem như một trợ lý ảo. AI do con người làm ra, được nhận dữ liệu từ con người nạp vào. Vì thế, AI phục vụ con người chứ không thay thế con người”, ông Toàn nói.
Tuy nhiên, nhà báo Trần Xuân Toàn lưu ý người dung không thể lệ thuộc vào AI bởi vẫn còn đó những tìm ẩn những nguy cơ. Đặc biệt là các bạn học sinh, sinh viên, không nên phụ thuộc hoàn toàn vào AI.
Nhà báo Trần Xuân Toàn kỳ vọng qua sự kiện AI Day do báo Tuổi Trẻ và Google tổ chức, các bạn trẻ sẽ học hỏi được cách ứng dụng AI một cách thông minh nhất trong học tập, công việc, đồng thời tránh được một số rủi ro như bản quyền, bảo mật thông tin thông tin.
Ông Toàn nhắn gửi: “Học sinh, sinh viên có thể dựa trên những sẩn phẩm của AI để sáng tạo thành những sản phẩm độc đáo cho riêng mình, không phải “copy” hoàn toàn những gì AI đêm tới”.
Không gian các gian hàng trong sự kiện AI Day đã sôi động ngay từ sớm với hàng loạt những hoạt động trải nghiệm hấp dẫn.
Tại gian hàng của Trường đại học Ngoại ngữ – Tin học TP.HCM, học sinh, sinh viên được tương tác trực tiếp 16 chatbot độc đáo do chính các giảng viên trong trường thiết kế.
Từng chatbot sẽ có thể trả lời chính xác các câu hỏi được đặt ra, tương ứng với nhiều chủ đề giáo dục, y tế, kinh doanh…
Một số chatbot có thể thực hiện nhiều tác vụ như chuyển chữ viết thành giọng nói, chuyển giọng nói thành chữ viết, thiết kế hình ảnh.
Còn tại gian hàng trải nghiệm Gemini, nền tảng AI nổi tiếng của Google, khách tham quan được hướng dẫn thao tác AI trên điện thoại thông minh.
Chẳng hạn, khách tham quan sẽ dùng gemini tăng hiệu suất mạnh mẽ cho các công nghệ như Google Translate, có thể dịch thuật ngay bằng camera thường của điện thoại.
Hoặc tính năng Circle to Search giúp người dùng điện thoại chỉ cần khoanh tròn đối tượng trên bất kỳ ứng dụng nào muốn tìm kiếm trên màn hình điện thoại là lập tức tìm thấy thông tin.
Với mong muốn giúp học sinh, sinh viên tiếp cận và sử dụng các ứng dụng AI trong tìm kiếm việc làm và định hướng nghề nghiệp, bắt kịp xu hướng thời đại, báo Tuổi Trẻ phối hợp với Google tổ chức sự kiện “Hiểu AI làm giàu hành trang nghề nghiệp“.
Sự kiện được tổ chức từ 8h – 17h thứ 6 (10-5) tại Nhà Thiếu nhi TP.HCM.
Nghe chuyên gia và KOL truyền cảm hứng ở AI Day
Trong khuôn khổ chương trình AI Day, người tham gia sẽ được tiếp cận các thông tin bổ ích được trình bày bởi các chuyên viên AI của Google, diễn giả, KOL nổi tiếng về AI, tham quan các gian hàng liên quan đến các ngành nghề có ứng dụng AI.
Khu vực hội thảo với các phiên sáng chiều, có sự góp mặt của giám đốc quốc gia của Google, Samsung cùng các chuyên gia của những nền tảng công nghệ hàng đầu hiện nay.
Đặc biệt, hội thảo “Hiểu AI, làm giàu hành trang nghề nghiệp” cung cấp những góc nhìn và hiểu biết sâu sắc về cách AI sẽ định hình nghề nghiệp tương lai, chương trình cũng cung cấp các khóa học cấp tốc về việc ứng dụng bộ kỹ năng AI trong thực tế.
Talkshow “Ứng dụng AI trong Y tế” với các diễn giả có chuyên môn, kinh nghiệm trong lĩnh vực như TS.BS Trương Nguyễn Khánh Hưng – tốt nghiệp tiến sĩ về Trí truệ nhân tạo trong Y khoa tại ĐH Y khoa Đài Bắc, khoa Ngoại Chấn thương – chỉnh hình, Bệnh viện Chợ Rẫy; ThS Lê Thị Thu Thảo – phó lab Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh; bác sĩ chuyên khoa 1 Trương Chí Bảo thuộc Nha khoa Nhân Tâm…
Buổi chiều diễn ra phiên đối thoại (AMA) do Google & Tinh Tế chủ trình, sẽ cùng khán giả giao lưu về tính ứng dụng AI trong sáng tạo nội dung.
Các diễn giả hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ thông tin sẽ góp mặt bao gồm bà Xiuxian Ho – giám đốc Truyền thông, phụ trách Singapore & Việt Nam, Google Châu Á – Thái Bình Dương, ông Nguyễn Đoàn Minh Đức – moderator tại diễn đàn công nghệ Tinh Tế, bà Đinh Hằng – blogger mảng du lịch, ông Nguyễn Ngọc Long – chuyên gia truyền thông tại Biệt đội Trăng Đen 4.0…
Trong suốt chương trình AI Day, các gian hàng của công ty công nghệ, trường đại học, cơ sở y tế… giới thiệu những công nghệ mới nhất được áp dụng trong lĩnh vực tương ứng.
Hơn 400 sinh viên được đào tạo thực hành kỹ năng AI trong hai buổi do các kỹ sư của Google trực tiếp hướng dẫn. Đơn vị này cũng giới thiệu nhiều khóa học trang bị kỹ năng số và AI cho giới trẻ Việt Nam hoàn toàn miễn phí.
Chương trình trân trọng cảm ơn đơn vị tài trợ: Nha Khoa Nhân Tâm, Trường ĐH Giao thông Vận tải TP.HCM và sự đồng hành của các trường đại học: Trường ĐH Ngoại ngữ – Tin học TP.HCM, Trường ĐH Công Nghiệp TP.HCM, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành.